Ở tỉnh Quảng Bình, xã biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch được xem là điển hình trong công tác giảm nghèo và làm giàu chính đáng nhờ xuất khẩu lao động. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhân Trạch Phạm Mạnh Hùng cho biết, đến nay, toàn xã có gần 1.700 lao động đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm gửi về quê hàng trăm tỷ đồng tạo nên nguồn lực lớn trong xây dựng quê hương.
Trong 5 năm gần đây, bộ mặt của xã thay đổi hẳn, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, đồ dùng, trang thiết bị đắt tiền phục vụ sinh hoạt trong các gia đình bây giờ không thiếu. Gia đình ông Phan Văn Khiển, ở thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch trước đây là hộ nghèo nhưng bây giờ có cơ ngơi mà nhiều người mơ ước, nhờ bốn người con của ông đi xuất khẩu lao động tích góp, xây dựng nên. Ông cho biết, không chỉ gia đình ông mà cả thôn Nhân Quang trước kia sống phụ thuộc vào nghề biển khá bấp bênh, bây giờ xuất khẩu lao động là hướng đi chính, giúp bà con trong thôn làm giàu. Ở Nhân Trạch có những làng san sát nhà cao tầng, kiến trúc đẹp mắt nhờ nguồn lực từ xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, cho nên nhiều người gọi vui là “làng Xơ-un”.
Bí thư Đảng ủy xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) Hồ Thị Thoi cho biết, trong xã đã có chín trường hợp người Khùa (thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều) đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Bước đầu, các trường hợp này đều gửi về cho gia đình khoảng 25 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, nhiều gia đình đã trả hết nợ vay chi phí ban đầu, tích lũy để làm nhà ở kiên cố. Việc lần đầu tiên người Khùa tham gia xuất khẩu lao động thành công đã mở ra một hướng mới, góp phần đắc lực vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai Trần Thanh Hải, là tỉnh miền núi, Gia Lai hiện có 930 nghìn người trong độ tuổi lao động, đa số lao động ở khu vực nông nghiệp. Gia Lai đã có các biện pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình xuất khẩu lao động. Hằng năm, tỉnh đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 26.500 lao động, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 1.500 người. Năm 2022, tỉnh đưa được 1.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài và trong chín tháng của năm 2023 đạt được gần 1.300 lao động.
Việc xuất khẩu lao động theo con đường chính thống, hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân. Tháng 11/2022, chị Mẫn Thị Mỹ Duyên, ở xã Đak Krong, huyện Đak Đoa đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản, với mức lương 25-30 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày, chị làm việc tám giờ, chia làm hai ca và được nghỉ 1 ngày/tuần. Bà Ngô Thị Thức, mẹ chị Duyên chia sẻ: “Con làm việc ở xa nhưng hầu như tối nào hai mẹ con cũng trò chuyện với nhau qua mạng xã hội. Tôi luôn động viên con nỗ lực cố gắng để làm việc tốt, có thu nhập cao hơn, tích lũy để có vốn cho cuộc sống mai sau”.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), giai đoạn 2017-2023, thông qua chương trình xuất khẩu phi lợi nhuận của Trung tâm có gần 67 nghìn lượt người lao động ở các tỉnh, thành phố miền trung, Tây Nguyên đăng ký dự thi ngoại ngữ, tay nghề, trong đó gần 30 nghìn người trúng tuyển và 22.500 lao động đã xuất cảnh. Mức chi phí tham gia thấp, cách thức công khai, minh bạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận chương trình, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Gia Liêm cho biết, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao và ổn định; điều kiện làm việc được bảo đảm và được phía bạn đánh giá cao. Người dân xem xuất khẩu lao động là cơ hội để xóa đói, giảm nghèo, vươn lên khá giả. Tuy nhiên, tình trạng người lao động cư trú bất hợp pháp, không về nước đúng thời hạn khi hết hợp đồng còn diễn ra với xu hướng tăng.
Trong chín tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc là 32,87%, Nghệ An là 45,41%, Hà Tĩnh 45,12% và Quảng Bình hơn 45%; cao hơn so mức bình quân của cả nước (34,46%) và cao hơn so với (28%) mức cam kết với phía Hàn Quốc trong năm 2023. Điều này gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động qua chương trình phi lợi nhuận và cản trở nhiều ước mơ thoát nghèo của nhiều người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy đưa người lao động các tỉnh miền trung, Tây Nguyên đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận và giải pháp giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định”, vừa được tổ chức tại Quảng Bình, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, miền trung, Tây Nguyên là khu vực có số lượng lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung và thông qua các chương trình phi lợi nhuận của Trung tâm Lao động ngoài nước nói riêng; từ đó mang lại nhiều giá trị tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, đặc biệt làm đổi thay bộ mặt của nhiều vùng nông thôn các tỉnh miền trung, Tây Nguyên.
Ngoài nguồn thu nhập cao, người lao động còn được nâng cao tay nghề, tự tích lũy kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức, tổ chức kỷ luật, tác phong công việc cũng như trình độ ngoại ngữ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong cho rằng, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Bình xuất phát từ một người đi lao động nước ngoài sau khi về trở thành ông chủ. Không chỉ khởi nghiệp mà họ còn tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Vì thế, tỉnh chỉ đạo ngành lao động-thương binh và xã hội phối hợp các địa phương đẩy mạnh các chương trình đưa người đi lao động nước ngoài, quảng bá rộng rãi để đông đảo người dân biết đến, nhất là các vùng khó khăn và ưu tiên hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho lao động.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi về nước trên địa bàn tỉnh. Đây là việc làm nhằm huy động, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực có kinh nghiệm, kỹ năng tay nghề, kỷ luật lao động đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời khuyến khích người lao động làm việc ở nước ngoài về nước đúng hạn.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thông tin, quảng bá các chương trình; thông tin kịp thời kế hoạch tuyển chọn lao động để người lao động biết, tham gia; hoàn thiện quy trình tuyển chọn, chú trọng công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục pháp luật của nước tiếp nhận; xây dựng quy trình xử lý tiền ký quỹ đúng quy định của pháp luật.
Các tỉnh cần quan tâm đến đối tượng là người lao động chính sách, địa bàn đặc biệt khó khăn như tăng cường tuyển chọn lao động đi làm việc trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp (là những ngành có mức cạnh tranh thấp) để gia tăng cơ hội cho người lao động tại các khu vực này.